Canxi hóa bánh nhau còn được gọi là “xơ hóa bánh nhau”. Đây là hiện tượng lắng đọng canxi giữa bánh nhau và cơ tử cung.
Trong phần lớn trường hợp, đó là dấu hiệu trưởng thành của thai chứ không phải thai bị thoái hóa như nhiều người nhầm tưởng.
Hiện tượng này có mối liên quan mật thiết đến tuổi của thai nhi. Mặc dầu vậy, đa phần trong các trường hợp, canxi hóa bánh nhau chỉ là một dấu hiệu cho biết mức độ trưởng thành bình thường của thai gần đủ tháng. Do đó, canxi hóa không phải là hiện tượng thai bị thoái hóa như cách hiểu lầm của nhiều người.
Vì sự canxi hóa chỉ xảy ra quanh riềm các múi rau, không ảnh hưởng lớn đến vai trò của bánh rau nên nó cũng không cản trở đến quá trình trao đổi chất từ mẹ sang con.
Mẹ bầu có thể nhìn thấy qua siêu âm ở khoảng thời gian cuối thai kỳ. Vậy nên các mẹ không cần phải quá lo lắng khi kết quả chẩn đoán như thế.
Các cấp độ canxi hoá
Thông thường, tuổi thai càng lớn thì các đám canxi hóa càng nhiều. Canxi hoá bánh nhau có 3 cấp. Trong đó, cấp độ 3 là cấp trưởng thành cao nhất của nhau thai. Độ trưởng thành của nhau thai tỷ lệ thuận với tuổi thai, nghĩa là tuổi thai lớn tương đương độ trưởng thành của nhau càng cao và ngược lại. Tuy nhiên, điều này ở mỗi một cơ thể lại có sự biểu hiện khác nhau tùy theo tốc độ canxi hóa nhanh hay chậm.
Độ 0: tuổi thai khoảng 31 tuần (+/- 1 tuần).
Độ 1: tuổi thai 34 tuần (+/- 3,2 tuần).
Độ 2: tuổi thai 37,6 tuần (+/- 2,7 tuần).
Độ 3: tuổi thai 38,4 tuần (+/- 2,2 tuần).
Như vậy, căn cứ trên các cấp độ, nếu thấy thai nhi dưới 33 tuần tuổi mà lại có mức canxi hóa ở cấp độ 2 hoặc có thể cấp độ 3 thì mẹ cần phải được thăm khám đều đặn hơn.
Có một số nghiên cứu cho thấy, bánh nhau canxi hóa mức độ 3 xuất hiện sớm có nguy cơ đi kèm với tình trạng suy dinh dưỡng trong bào thai. Khoảng 78% tình trạng suy dinh dưỡng, cao huyết áp và thai suy xảy ra nếu bánh nhau vôi hóa ở mức độ 3 trước 37 tuần.
Trường hợp thai 35 tuần có bánh nhau ở độ 1 là trong giới hạn bình thường.
Nếu nhau thai bị canxi hóa cấp độ 3, điều đó có nghĩa phổi của bé đã bắt đầu có sự hoàn thiện về chức năng và bé có thể sống sót trong môi trường ngoài bụng mẹ.
Canxi được tích tụ ở khu vực nào sẽ gây xơ hóa khu vực đó. Điều này có thể làm nghẽn hoặc tắc một số mạch máu của bánh nhau. Nếu canxi hóa cấp độ 3 xảy ra sớm có thể kéo theo đó là tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
Những thai quá ngày sinh có nguy cơ bị suy thai cao hơn (chiếm 5% đến 10%) do tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng. Các thai này cũng có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với các thai nhi khác. Nếu kéo dài đến tuần 42, các dấu hiệu lão hoá bánh nhau sẽ còn diễn ra nhanh hơn. Máu tập trung ở bánh nhau sẽ giảm xuống, khiến việc trao đổi khí diễn ra khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài hơn có thể dẫn đến suy thai, thai chết trong quá trình chuyển dạ hoặc chết ngay sau khi sinh chỉ vài tiếng.
Mặc dầu vậy, đa số các trường hợp, hiện tượng canxi hóa không tác động lớn đến vai trò của nhau thai, do đó thai nhi không bị ảnh hưởng.
Phòng ngừa can xi hóa bánh nhau
Khi mang thai, bạn cần đều đặn đến khám tư vấn ở các bác sĩ sản khoa trong suốt thời kỳ mang thai, đó là cách để theo dõi và kiểm soát tốt nhất.
Khi đã gần đến ngày sinh (xem xét qua lượng nước ối, mức độ canxi hóa…) mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu trở dạ, nên đến ngay các trung tâm y tế chuyên khoa để có được sự can thiệp kịp thời.
Hiện nay, một số mẹ bầu có sự lạm dụng canxi khiến sự lắng đọng canxi ở bánh nhau diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu canxi cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thừa canxi ở bé sơ sinh. Các bé này khi sinh ra sẽ có những biểu hiện: thóp kín quá sớm, xương hàm rộng và nhô ra, động mạch chủ bị thu hẹp. Để tránh trường hợp không hay xảy đến, khi muốn bổ sung canxi, mẹ bầu cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Giỏ hàng của bạn đang trống!